Ngày 5/4, tại Hà Nội, Bộ Công an đã long trọng tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc với chủ đề “CAND đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại” và phát động xây dựng “Tủ sách Hồ Chí Minh” trong CAND.
Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Đồng chí Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự “Ngày sách và văn hóa đọc trong CAND”.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu khai mạc.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ và các đại biểu cắt băng khai mạc Ngày Sách và Văn hoá đọc.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Bất luận làm việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại. Người làm Công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý, lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn... Trong những năm qua, Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an luôn quan tâm đến việc cung cấp sách, báo phục vụ nhu cầu văn hoá, tinh thần, thông tin nghiên cứu, học tập và nâng cao kiến thức toàn diện cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng CAND; thường xuyên chỉ đạo, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hoá, nhất là công tác thư viện, báo chí, xuất bản và bảo tàng trong CAND. Hiện nay, mô hình và phương thức hoạt động của hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách trong CAND đã và đang được duy trì, phát huy, đi vào nề nếp.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ thăm gian sách trưng bày của Nhà Xuất bản CAND - Cục Truyền thông CAND.
Hướng đến kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh có Sáu điều dạy CAND (11/3/1948 - 11/3/2023) và thực hiện có hiệu quả lời căn dặn của Bác “Người làm Công an cần đọc để nắm tình hình”, Bộ Công an phát động phong trào “CAND đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại” trong toàn lực lượng CAND. Để phát động và duy trì phong trào phát triển mạnh, có chiều sâu và đọc sách báo trở thành việc làm thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ trong CAND, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu và mong muốn các cấp ủy Đảng, người đứng đầu cấp ủy Đảng, thủ trưởng, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương và toàn thể cán bộ, chiến sĩ CAND cần tiếp tục nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của văn hoá đọc; xác định việc đọc, học nữa, học mãi, học tập suốt đời theo gương Bác Hồ vĩ đại là việc làm vô cùng cần thiết và phải được thường xuyên coi trọng.
GS. Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương thăm gian sách trưng bày của Nhà Xuất bản CAND.
Tại lễ khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc trong CAND, Ban tổ chức đã phát động xây dựng “Tủ sách Hồ Chí Minh” trong CAND. Các cơ quan, đơn vị đã tài trợ gần 500 triệu đồng, 1.000 đầu sách để xây dựng Tủ sách.
Đại tá Trần Cao Kiều, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản CAND giới thiệu ấn phẩm mới của Nhà Xuất bản CAND tới CBCS.
Ngay sau lễ khai mạc, GS. Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đã giới thiệu đến đông đảo cán bộ, chiến sĩ 2 cuốn sách của Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an: “Những điểm mới về an ninh quốc gia trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng” và “Nâng cao chất lượng tư tưởng chính trị trong CAND trước tình hình mới”.
Mô hình trưng bày sách của Thư viện CAND.
Mô hình trưng bày sách của Thư viện Tạ Quang Bửu - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Mô hình trưng bày sách của Trung tâm Lưu trữ và Thư viện - Trường Cao đẳng CSND I - Bộ Công an.
Mô hình trưng bày sách của Trung tâm số - Trường Đại học Thái Nguyên.
Gian hàng trưng bày sách của Nhà Xuất bản Phụ nữ.
Gian hàng giới thiệu và trưng bày sách của Nhà Xuất bản CAND.
Mô hình xếp sách nghệ thuật Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta, có giá trị thiết thực đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho mỗi người dân Việt Nam.
Mô hình xếp sách nghệ thuật Đảo Trường Sa lớn, thể hiện ý thức về lịch sử của dân tộc, nhất là chủ quyền biên giới, biển, đảo quê hương, từ đó nâng cao ý thức học tập, rèn luyện để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mô hình xếp sách nghệ thuật Biểu tượng búa liềm là biểu tượng sáng ngời trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc lừng lẫy của dân tộc, trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tươi đẹp như hôm nay.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo giới thiệu với cán bộ, chiến sĩ 2 cuốn sách của Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.
Trong khuôn khổ Ngày sách còn có nhiều hoạt động ý nghĩa, hấp dẫn về khuyến học, khuyến đọc như triển lãm sách, ngày hội trao đổi, tặng sách, thi xếp sách nghệ thuật... Các hoạt động diễn ra từ ngày 5/4 đến 8/4 tại Hà Nội.
(NXBCAND) |