Tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với tổ chức Room to Read tổ chức Hội thảo “Xây dựng văn hóa đọc và Phát triển mô hình thư viện thân thiện trường tiểu học”.
Tến sĩ Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bảo Châu.
Hội thảo là hoạt động cụ thể thực hiện Nghị quyết số 29 -NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Quyết định 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Chính phủ về phát triển văn hóa đọc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 cũng như Biên bản ghi nhớ thực hiện Chương trình “Thư viện thân thiện trường tiểu học” giai đoạn 2016-2020, ký giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và tổ chức Room to Read.
Mục tiêu của hội thảo nhằm xác định những thuận lợi, khó khăn trong công tác thư viện ở trường tiểu học của các địa phương để có thể đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực. Đồng thời, tại hội thảo này, các mô hình thư viện hiệu quả, trong đó có thư viện thân thiện của Room to Read sẽ được giới thiệu đến với Sở Giáo dục và Đào tạo của 63 tỉnh/thành phố, cung cấp thêm ý tưởng hình thành những thư viện hiệu quả, gần gũi hơn với học sinh trên cả nước.
Theo đó, mô hình thư viện thân thiện Room to Read hiện đã được triển khai tại 16 tỉnh thành trên cả nước với mục tiêu xây dựng những thế hệ người đọc độc lập ngay từ bậc tiểu học. Trung bình, mỗi học sinh tại các trường có thư viện Room to Read mượn 17,2 cuốn sách về nhà mỗi năm (số liệu năm 2017).
Trong tháng 3/2017, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tổ chức khảo sát để đánh giá hiệu quả triển khai chương trình “Thư viện thân thiện” tại một số trường tiểu học tại Đắk Lắk. Theo bản báo cáo này, thư viện thân thiện theo mô hình của Room to Read có hiệu quả trong việc hình thành thói quen, phương pháp và văn hóa đọc trong nhà trường, giúp học sinh phát triển ngôn ngữ thông qua hoạt động đọc.
Các đại biểu quan tâm theo dõi, tìm hiểu mô hình thư viện thân thiện Room to Read. Ảnh: Bảo Châu.
Đồng thời, việc thiết lập và vận hành thư viện thân thiện của Room to Read đã tạo một bước chuyển biến tích cực và hiệu quả đối với hoạt động dạy học và giáo dục trong trường tiểu học: Giáo viên được tiếp cận với chương trình tập huấn thiết thực, có chất lượng, có thể được vận dụng hiệu quả trong quá trình dạy học; chất lượng học tập của học sinh được cải thiện theo hướng tích cực, nhất là môn Tiếng Việt. Bên cạnh đó, hoạt động của thư viện thân thiện đã góp phần tích cực trong việc phát triển các kỹ năng chủ động, tự tìm tòi nghiên cứu trong học tập.
Bà Nguyễn Diệu Nương - Giám đốc Room to Read Việt Nam cũng chia sẻ: “Tôi rất vui mừng khi thấy mô hình thư viện thân thiện của Room to Read được Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như các tỉnh thành đánh giá cao và đón nhận như vậy. Chúng tôi hy vọng rằng hội thảo này sẽ là một bước ngoặt lớn để mô hình thư viện thân thiện Room to Read có thể lan tỏa rộng hơn trên quy mô cả nước và đi vào các định hướng mang tính chiến lược của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Room to Read sẽ sát cánh với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian tới để hỗ trợ các địa phương phát triển và nhân rộng hơn nữa mô hình. Mục tiêu dài hạn của chúng tôi là mỗi học sinh tiểu học tại Việt Nam khi đến trường sẽ có được một môi trường đọc thân thiện; tiếp cận được với sách truyện có chất lượng; được dành thời gian cho việc đọc; và được sự hướng dẫn, trợ giúp của thầy cô và cha mẹ trong việc hình thành tình yêu với sách và thói quen đọc sách”.
Hằng Minh (Công Luận) |