Tôi nhận được lời mời đọc bản thảo và viết lời giới thiệu cho cuốn sách “Ứng phó hiểm họa bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm, trách nhiệm của Nhà nước, cộng đồng xã hội và cá nhân” của TS. Nguyễn Anh Tuấn một cách gấp gáp, tương tự như cách chúng ta thực hiện rất nhiều hoạt động khác trong những ngày tháng 8 năm 2021 đặc biệt này: Ra đường chốc lát, họp hành ngắn gọn, chào nhau chớp nhoáng... Cuốn sách tưởng như cũng được hoàn thành trong bối cảnh như thế để kịp ra mắt độc giả, để bảo đảm tính thời sự của vấn đề khi cả thế giới và Việt Nam đang đứng trước cao điểm mới của dịch bệnh Covid-19 do biến chủng Delta gây ra. Tuy nhiên, đọc kỹ nội dung của cả 6 chương sách, có thể thấy bên cạnh lượng thông tin đồ sộ được cập nhật mới nhất liên quan đến Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, còn có rất nhiều khảo cứu, khảo luận của tác giả về trách nhiệm của Nhà nước, cộng đồng xã hội và mỗi cá nhân đối với dịch bệnh, những vấn đề xã hội phát sinh từ dịch bệnh.
Dịch bệnh hay bệnh truyền nhiễm là những yếu tố gây tổn hại đến sức khoẻ có yếu tố lây lan từ cá thể này sang cá thể khác. Tuy nhiên, đấy là hiểu một cách thông thường, từ chiết tự những từ phức Hán Việt này. ỞChương 1, điểm xuất phát, tác giả đã cố gắng giải thích dịch bệch và tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với sức khoẻ của mỗi cá nhân và “sức khoẻ” của một cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Chương 1 có cách đặt vấn đề tương đối khái quát, bài bản và thú vị ở chỗ tác giả không phải công tác trong ngành y, cũng không phải là người nghiên cứu y học. Vì thế, tác giả đã lựa chọn cách tổng hợp các quan niệm, khái niệm về sức khoẻ và dịch bệnh. Tương tự như vậy, Chương 2 đề cập đến dịch bệnh, những đại dịch chết chóc, những ứng phó chủ động và cả những phản ứng bản năng, mông muội của nhân loại trong lịch sử. Tuy nhiên, cũng giống như Chương 1, tác giả không lựa chọn cách viết kiểu y văn hay biên sử y học mà kết nối những ngày tháng, con số, sự kiện về các đợt dịch bệnh đã từng xảy ra để giúp người đọc nhận thức, ý thức được rằng các đợt dịch bệnh đó cần phải tiếp tục được lưu giữ trong ký ức nhân loại để giúp mỗi chúng ta trưởng thành hơn, chủ động hơn từ những bài học ứng phó với các đại dịch trong quá khứ.
Bìa cuốn sách “Ứng phó hiểm họa bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm, trách nhiệm của Nhà nước, cộng đồng xã hội và cá nhân”.
Trong Chương 3, tác giả tìm hiểu tác động của dịch bệnh đối với giáo dục, những sự thay đổi về nội dung, phương thức dạy - học. Những thay đổi này được phản ánh sinh động, nhiều cảm xúc, thậm chí hài hước và chua xót. Nhưng cũng bắt đầu từ chương này, tác giả đã có những phân tích toàn diện, chỉ ra các mặt tiêu cực và tích cực mà Covid-19 tác động đến giáo dục cũng như một số lĩnh vực khác của cuộc sống. Covid-19 được nhìn nhận như một thử thách khắc nghiệt, một bài toán nan giải đặt ra mà không ai, không gia đình nào, cộng đồng nào, quốc gia nào có thể né tránh, mà ngược lại, chỉ có thể đối diện và tự tìm ra những kháng thể làm mạnh mẽ hơn bản lĩnh, ý chí của chính mình để có thể vượt qua. Niềm tin tích cực này của tác giả được tiếp tục lan toả đến Chương 4 khi xem xét bệnh dịch từ góc nhìn an ninh, trật tự và Chương 5 khi trình bày vai trò của pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh. Chương 4 và 5 giúp người đọc hiểu “an ninh”, “trật tự”, hay “pháp luật” - những từ khoá vốn gắn liền với chức năng nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân - lại là những điều rất thân thuộc, thiết yếu, gắn với những quy luật, quy tắc chuẩn mực xã hội, ổn định xã hội, an toàn xã hội mà dịch bệnh có nguy cơ đe doạ - nếu không có cách tiếp cận đúng đắn từ câu chuyện lập pháp trên văn bản giấy tờ đến những người chấp pháp trong cuộc sống hằng ngày.
Chương 6 mang tính chất tổng kết về trách nhiệm của Nhà nước, xã hội, cộng đồng và cá nhân trong phòng, chống dịch bệnh, song ý tưởng của người viết không chỉ mong muốn đề cập đến vấn đề xử lý trực tiếp với dịch bệnh mà còn xử lý cả với những câu chuyện xã hội đặt ra từ sự lan truyền của dịch bệnh. Tôi đặc biệt ấn tượng và chia sẻ với cách đặt vấn đề Covid-19 sẽ cho chúng ta những gì (mà không chỉ là tước đi của chúng ta những gì), đó là sự ý thức đầy đủ hơn về bản chất xã hội và trách nhiệm xã hội của Nhà nước, về trách nhiệm xã hội của cá nhân, về quyền con người cá nhân và lợi ích cộng đồng. Dịch bệnh cũng đem lại giá trị gia tăng cho mỗi người về sự trưởng thành trong nhận thức, cũng như sự khởi tạo, duy trì và lan toả năng lượng tích cực, thiện lành tới mọi người.
Cuốn sách được viết theo lối hành văn không mới nhưng những thông tin mà nó mang đến lại rất mới, mang tính thời sự nóng hổi. Sự nóng hổi mà cuốn sách đem lại còn từ nhiệt huyết và tinh thần lạc quan mà người viết muốn truyền tải tới người đọc. Vì thế, cuốn sách là một ấn phẩm giá trị, đáng đọc, xin được trân trọng giới thiệu tới quý độc giả.
Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 2021
TS. Lê Lan Chi
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Khách hàng/bạn đọc có nhu cầu đặt hàng sách xin vui lòng liên hệ bộ phận phát hành: Đ/c Đại úy Nguyễn Thị Thu Hoài theo số điện thoại: 0902.211.354 hoặc đ/c Ngô Văn Tuấn theo số điện thoại: 0902.293.338 |