Để hiểu đúng, hiểu rõ bản chất văn hóa tức diện mạo tinh thần của một dân tộc, một tộc người, theo chúng tôi, điều cần thiết chúng ta phải làm là tìm hiểu để làm sáng tỏ một vấn đề cốt lõi: từ những điều kiện cụ thể nào của dân tộc mà trên cơ sở đó, nền văn hóa đã phát sinh, phát triển. Nói cách khác, phải tìm hiểu mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên mà họ đã và đang sinh sống, rồi từ đó, biểu hiện ra các giá trị văn hóa cụ thể ra sao.
Bìa cuốn sách “Bản sắc văn hóa người Việt”.
Môi trường tự nhiên ấy là đất đai, đồi núi, sông biển cùng các điều kiện khí hậu thời tiết đã từng tồn tại từ trước khi có loài người. Còn những biểu hiện cụ thể dưới cả hai dạng vật thể và phi vật thể, thì không gì khác hơn, đó chính là nếp sống, nếp nghĩ cùng những phong tục tập quán - tín ngưỡng được hình thành và lặp đi lặp lại trong suốt tiến trình lịch sử.
Quá trình con người tác động lên đất đai, xử lý nguồn nước và thích ứng với các điều kiện khí hậu thời tiết xảy ra ở mọi nơi trên trái đất, vừa có những nét tương đồng nhưng cũng lại vừa có những nét khác biệt, vì thế cuối cùng, đã tạo nên các vùng, miền văn hóa khác nhau. Đấy là còn chưa nói tới việc, đối với mỗi dân tộc, trong quá trình phát sinh phát triển hoặc di chuyển, tự bản thân đã mang trong mình những bộ mã di truyền về văn hóa cũng khác nhau. Sự giao lưu tiếp xúc về văn hóa giữa các vùng miền trong quá trình lịch sử, đã xảy ra như một lẽ tự nhiên và tất yếu. Sự bình đẳng về văn hóa, vì thế rất cần được xác lập trên cơ sở của nền độc lập dân tộc, nhất là trong thời đại hội nhập quốc tế như hiện nay.
Lâu nay, từ một số nhà nghiên cứu rồi sau đó lan ra nhiều người khác trong xã hội, một quan niệm cho rằng ở phương Đông văn hóa Trung Hoa mới là trung tâm, từ đó lan truyền, ảnh hưởng sang các nền văn hóa khác nhỏ hơn ở ngoại biên, mà Việt Nam cùng với Nhật Bản và Triều Tiên, đã là những nền văn hóa nhỏ như thế. Lại cũng có một quan niệm khác nữa, cho rằng Việt Nam nằm ở ngã ba của con đường giao lưu tiếp xúc giữa hai nền văn hóa lớn là Ấn Độ và Trung Hoa, do vậy, đã chịu tác động và ảnh hưởng của cả hai, như một lẽ đương nhiên và tất yếu.
Chưa thấy ai lên tiếng tranh luận hay bác bỏ những quan niệm có tính chất bề ngoài, hời hợt và nửa vời ấy, còn ở đây, chúng tôi chỉ xin có một lời ngắn gọn: quan niệm như thế thì chẳng khác nào đã tự nhận mình là thuộc dân tộc đẻ muộn sinh sau, do vậy, chịu ảnh hưởng và bắt chước theo người ta cũng như là một lẽ đương nhiên vậy.
Muốn hiểu rõ bản chất văn hóa dân tộc, như chúng tôi đã nói, điều cần thiết phải làm là tìm hiểu sự phát sinh, phát triển về văn hóa từ chính cái nôi dân tộc. Các tài liệu dựa vào, do vậy, cũng phải từ chính các thế hệ tiền nhân của dân tộc để lại. Còn tài liệu của nước ngoài, cùng lắm chỉ để tham khảo, đối chiếu thêm, chứ không phải để mặc nhiên tiếp nhận các quan niệm đã ẩn chứa ở trong các tài liệu đó.
Gần đây, các nhà khoa học thế giới đã lên tiếng khẳng định rằng: “Chính Đông Nam Á đã là một trong những cái nôi hình thành loài người” và “là địa bàn hình thành đầu tiên của đại chủng phương Nam”. Mà cái nôi ấy, địa bàn ấy, theo những bộ sách cổ của nước ta còn để lại, chính là đã nói tới bộ tộc Việt thường thị cùng cư dân Bách Việt với nơi phát tích đầu tiên là nền văn minh lúa nước sông Hồng.
Cuốn sách chuyên luận Bản sắc văn hóa người Việt gồm 4 chương và phần phụ lục, trong đó hai chương I và III là để gợi mở cho hai chương II và IV, còn phụ lục để minh họa thêm cho các nội dung đã trình bày. Trọng tâm vấn đề chúng tôi muốn làm sáng tỏ đây là bản sắc văn hóa người Việt được thể hiện qua mối quan hệ với hai yếu tố đất và nước, và đồng thời còn thể hiện qua các phong tục tập quán - tín ngưỡng, các lễ tiết, lễ hội dân tộc cổ truyền vốn có xuất xứ từ thời dựng nước.
Tuy nhiên, bàn về Bản sắc văn hóa người Việt là một vấn đề lớn và khó, cho nên cuốn sách không tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót. Nhà Xuất bản Công an nhân dân và tác giả rất mong nhận được ý kiến góp ý của bạn đọc trong cả nước.
Xin trân trọng giới thiệu!
NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN
Khách hàng/bạn đọc có nhu cầu đặt hàng sách xin vui lòng liên hệ bộ phận phát hành: Đ/c Đại úy Nguyễn Thị Thu Hoài theo số điện thoại: 0902.211.354 hoặc đ/c Ngô Văn Tuấn theo số điện thoại: 0902.293.338 |