“Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em nghệ sĩ là người chiến sĩ trên mặt trận ấy”, quan điểm về văn học nghệ thuật của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đúng với sự nghiệp cách mạng dù ở bất kì hoàn cảnh, giai đoạn nào của đất nước. Mảng văn học về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống cũng không nằm ngoài nhận định ấy. Không chỉ mang trong mình nhiệm vụ chính trị - góp phần giữ vững an ninh, ổn định trật tự xã hội đúng như tên gọi - mà còn cần đậm chất nghệ thuật để xứng đáng với cống hiến của những người chiến sĩ công an và quan trọng hơn là dễ dàng đi sâu rộng vào quần chúng nhân dân, góp phần đắc lực thực hiện nhiệm vụ cách mạng.
Khác với ấn tượng thường thấy của nhân dân về công việc của ngành Công an: khô khan, lạnh lùng, đơn điệu...; thực tiễn cuộc sống, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân là mảnh đất màu mỡ mà các nhà văn có thể khám phá những điều mới mẻ, ở lĩnh vực chưa được biết tới nhiều để lên men cảm hứng sáng tạo. Trên mặt trận chống diễn biến hòa bình, bảo vệ an ninh quốc gia, gìn giữ trật tự an toàn xã hội có rất nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ CAND mà cuộc sống chiến đấu và đời thường của họ mang đậm chất tiểu thuyết và không kém phần lãng mạn. Dưới ngòi bút sắc bén, mang đậm tính nhân văn, thời sự của các tác giả - nhà văn có tâm huyết với nghề đã tạo ra những tác phẩm văn học có giá trị. Những tác phẩm văn học có giá trị bám rễ từ hiện thực cuộc sống được nâng lên thành hình tượng nghệ thuật góp phần tôn vinh công việc của những con người “canh giấc ngủ bình yên cho xã hội”. Do đó, mỗi tác phẩm văn học hay viết về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” sẽ là người bạn tâm giao chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn sâu kín của mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND; góp phần tích cực trên mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự xã hội, vì sự bình yên hạnh phúc của nhân dân.
Bìa cuốn sách “Người chiến sỹ Công an trong sáng tác của các nhà văn Công an”.
Trong số các tác giả thuộc mảng đề tài này, những nhà văn thuộc lực lượng Công an nhân dân nhiều lợi thế hơn cả bởi có điều kiện tiếp xúc thực tế, có hiểu biết về chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, các nhà văn được hội tụ tại Chi hội nhà văn Công an (trực thuộc Hội nhà văn Việt Nam), được tạo điều kiện nhiều mặt về sáng tác. Hiện nay, với nhiều nỗ lực và tâm huyết, nhiều tác phẩm của họ đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc. Điểm lại có thể kể đến nhiều tác giả với nhiều tác phẩm. Nhà văn Lê Tri Kỷ (cây bút gạo cội của Chi hội Nhà văn Công an) với hàng loạt tác phẩm: “Thủ phạm vụ án Ôn Như Hầu” (ký sự); “Biến động ngày hè” (kịch bản sân khấu); “Câu lạc bộ chính khách” (tiểu thuyết); “Sống chìm” (tập truyện ngắn)... Nhà văn Văn Phan: “Nhóm rắn lục” (truyện dài); “Đội công an số 6” (truyện ký); “Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D'Inville”... Nhà văn Ngôn Vĩnh với “Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn” (truyện ký); “Fulro” (tiểu thuyết); “Bên kia cổng trời” (tiểu thuyết);... Nhà văn Hữu Ước với tác phẩm “Kiếp người” - 3 tập (tiểu thuyết) “Vòng vây cô đơn” và “Đêm giông” (tập truyện ngắn); Các kịch bản phim: “Cơn giông mùa hạ”, “Người con gái đất đỏ”; Ký sự chọn lọc và các kịch bản sân khấu: “Quả báo”, “Vòng đời”, “Vòng vây cô đơn”, “Vòng xoáy”, “Sếp rởm” - “Giấc mơ quan”, “Khoảnh khắc mong manh”, “Người đàn bà uống rượu”, “Tiếng chuông chùa”... Nhà văn Tôn Ái Nhân với “Trinh sát Hà Nội”, “Oan trái”, “Tìm em trong hoàng hôn” (tiểu thuyết). Nhà văn Nguyễn Như Phong với các tác phẩm: “Rừng hận”, “Cổ cồn trắng” (tiểu thuyết) và nhiều truyện ký: “Những người săn bắt cướp”, “Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á”, “Bí mật chuyên án Z501”... Nhà văn Trần Diễn với các tiểu thuyết và truyện: “Mã số 07”, “Cuộc truy tìm T72”, “Đường dẫn đến tội lỗi”... Nhà văn Mai Vũ với: “Kẻ mạo danh”, “Điệp viên K09”; “Tự bạch của trung tá Z” (tiểu thuyết)... Nhà thơ Nguyễn Xuân Hải với nhiều tập truyện ngắn và thơ cùng hàng chục kịch bản điện ảnh: “Bến nước đời người”, “Những kẻ giấu mặt”, “Thức tỉnh”, “Những đứa con biệt động Sài Gòn”... Nhà thơ Lê Hoài Nguyên với nhiều tập thơ trong đó có tập “Thế giới đang tồn tại”; “Hãy tỉnh táo” (bút ký, 3 tập); một số kịch bản điện ảnh: “Cỏ lau”, “Con của sông Dinh”. Nhà văn Phùng Thiên Tân với các tiểu thuyết: “Hồ sơ chưa kết thúc”, “Sống để đời yêu”, “Chuyện tình mù quáng”... Nhà văn Khổng Minh Dụ với: “Miền quê yêu dấu”, “Trong tiếng sóng biển xa” (tập truyện ngắn), “Bí ẩn của ký ức” (ký sự nhân vật) và một số tập thơ. Nhà thơ Hồng Thanh Quang với nhiều tập thơ: “Trữ tình” - thơ, “Không thể nào nguôi”, “Mùa dịu dàng”, “Một góc thơ Nga”, “Chỉ là mơ thấy”..., “Những lát cắt số phận” (ký sự nhân vật).
Cùng với các nhà văn kể trên, Chi hội Nhà văn Công an còn nhiều cây viết công tác ở nhiều đơn vị, địa phương đã tâm huyết với đề tài này. Đồng hành cùng các nhà văn trong lực lượng Công an, còn có hàng trăm văn nghệ sĩ trong nhiều thập niên qua đã gắn bó với lực lượng Công an và đề tài này.
Từ thực tế trên cho thấy, sẽ không quá tầm để nói rằng các cây bút trong và ngoài lực lượng Công an đã tạo nên dòng văn học “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” với một số tác phẩm có giá trị.
*
Trong sáng tác của các nhà văn Công an, một nỗ lực to lớn là khắc họa chân dung người chiến sĩ công an nhân dân trong chiến đấu, công tác cũng như những khoảnh khắc đời thường. Như một lẽ tất yếu, quan điểm nghệ thuật của họ gặp nhau ở cảm hứng ngợi ca những con người “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Nhà văn Ngôn Vĩnh từng bày tỏ: “Trách nhiệm lớn nhất của các nhà văn Công an chúng ta là, bằng tác phẩm của mình tôn vinh chiến công vẻ vang của người chiến sĩ Công an, sự nghiệp anh hùng của nhân dân ta trong công cuộc bảo vệ an ninh Tổ quốc. Muốn làm được điều đó, trước hết chúng ta phải tâm huyết với đề tài Công an, kiên trì với con đường mình đã chọn. Chúng ta không thể chấp nhận quan điểm cho rằng viết về cuộc chiến đấu của Công an là viết truyện trinh thám, giải trí, không mang tính văn học”.
Trong một “dòng văn học” về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, cuốn sách “Người chiến sỹ Công an trong sáng tác của các nhà văn Công an” lựa chọn, phân tích và giới thiệu hình ảnh người chiến sĩ công an qua sáng tác của 6 tác giả: Lê Tri Kỷ, Ngôn Vĩnh, Hữu Ước, Phùng Thiên Tân, Nguyễn Hồng Thái, Hồng Thanh Quang.
Không hẹn mà gặp, các tác giả gặp nhau ở cảm hứng chung là ngợi ca những con người chí công vô tư, thông minh, dũng cảm mưu trí, hết lòng vì công việc, luôn vững vàng ý chí và lý tưởng... Tuy vậy, mỗi nhà văn lại có nét riêng khi khai thác, xây dựng nhân vật của mình.
Là người “mở đường” cho dòng văn học “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, nhà văn Lê Tri Kỷ xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân vừa có sự sáng suốt trong lý trí, vừa tạo nên sự rung động đầy tính nhân văn của những trái tim thiết tha hướng thiện. Cùng hướng đến “mệnh lệnh trái tim” của người chiến sĩ nhưng Hữu Ước lại đi sâu, khai thác cái “tâm” trong sáng, thánh thiện của họ: “Duy nhất chỉ có một điều mà lúc nào tôi cũng nhớ, nó chi phối và chỉ đạo mọi suy nghĩ, việc làm của tôi là: Tất cả đều bắt đầu từ cái tâm của một con người”. Nếu người chiến sĩ công an của Phùng Thiên Tân mang vẻ đẹp lý tưởng “xứng đáng với những trang văn đẹp nhất” thì trong trang văn Nguyễn Hồng Thái, họ được nhìn song hành ở cả hai mặt thiện - ác. Bên cạnh hướng khai thác những vẻ đẹp, tác giả cũng chỉ ra cả những mặt sai lầm của họ như sự nóng vội, chủ quan. Với nhà văn Ngôn Vĩnh, người chiến sĩ công ankhông chỉ hiện lên với những chiến công oanh liệt, hay sự hi sinh trong chiến đấu với kẻ thù mà họ còn được nhà văn đi sâu thể hiện sự hi sinh trong đời sống thường ngày, nhất là những góc khuất trong đời sống. Hồng Thanh Quang là trường hợp khá đặc biệt khi bản thân ông cũng là một sĩ quan công an với khoảng 10 năm công tác trong ngành. Thơ của ông, phần lớn là “tự họa tâm hồn”, đã khắc họa lên “chân dung tâm hồn” của người chiến sĩ - thi sĩ tha thiết yêu thương, thấm đượm suy tư. Đó có thể coi là cái tôi cao độ của tâm hồn những người chiến sĩ công an nhân dân vậy!
Một điểm độc đáo khác của cuốn sách là đã phân tích khá kĩ nghệ thuật xây dựng nhân vật người chiến sĩ công an nhân dân của từng tác giả. Từ đó cho thấy năng lực của nhà văn trong việc dụng công đưa người chiến sĩ công an nhân dân từ đời thường bước vào trang sách. Nó “giải mã” con đường “hình tượng hóa”, “nghệ thuật hóa” hình ảnh những con người ngày đêm đối mặt với các loại tội phạm như: ma túy, mại dâm, cờ bạc, tham ô...
Bên cạnh những tác phẩm vừa cuồn cuộn nhịp sống đời thực vừa thấm đẫm tinh thần văn học của các nhà văn, đọc một cuốn sách có tính phân tích, tổng hợp, khái quát thành quả của họ quả là điều thú vị!
*
Dù các nhà văn đã khá phong phú và đa dạng trong cách khai thác, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân, tuy nhiên, đánh giá một cách nghiêm túc, mảng đề tài này vẫn còn nhiều khoảng trống. Thực tế, nhiều sự kiện diễn ra chưa được phản ánh kịp thời qua bút pháp văn học và còn biết bao điều đã diễn ra trong quá khứ hào hùng của dân tộc dần dần trôi vào quên lãng. Bởi thế, chân dung người chiến sĩ công an nhân dân Việt Nam chưa được phản ánh trọn vẹn qua văn học. Nhiều năm nay, các thế hệ lãnh đạo của Lực lượng Công an luôn quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi để các văn nghệ sĩ tiếp cận đề tài này. Kì vọng rằng, sáng tạo những tác phẩm văn học sẽ phản ánh chân thực, sinh động hình tượng người chiến sĩ Công an, những chiến công xuất sắc của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam và toàn dân ta trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, tạo nên những tác phẩm điển hình, gây ấn tượng sâu đậm trong quần chúng nhân dân về người chiến sĩ công an nhân dân.
Thay mặt nhóm Tác giả
TS. Nguyễn Thị Kiều Anh |